KHẢO SÁT VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM
TẠI BAN QUẢN LÝ CÁC KHU CHẾ XUẤT VÀ CÔNG NGHIỆP TP.HỒ CHÍ MINH
Sáng 14/08, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, Sở An toàn thực phẩm phối hợp các Sở, Ngành liên quan khảo sát về công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn khảo sát đã có cuộc kiểm tra quy trình chế biến, nấu ăn tại Công ty TNHH Kim may Organ Việt Nam.
Báo cáo về công tác quản lý an toàn thực phẩm, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện Thành phố Hồ Chí Minh có 17 KCX, KCN, và có 289 doanh nghiệp có tổ chức bếp ăn tập thể, cụ thể: 70 doanh nghiệp tự tổ chức bếp ăn tập thể, 50 doanh nghiệp thuê đơn vị bên ngoài nấu tại doanh nghiệp và 166 doanh nghiệp nhận suất ăn sẵn, các doanh nghiệp không tổ chức được BATT thì phần lớn có hỗ trợ tiền cơm, bố trí khu vực để người lao động làm nóng thức ăn trước các bữa ăn. Ban quản lý đã phối hợp với Sở An toàn thực phẩm, Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố ban hành quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh các hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Từ năm 2020 đến nay, trong KCX, KCN không xảy ra ngộ độc thực phẩm; bên cạnh đó chất lượng bữa ăn của người lao động được cải thiện đáng kể.
Đại diện Công
ty TNHH Kim May Organ Việt Nam cho biết, công ty có 5 bếp ăn, phục vụ khoảng
1.000 suất ăn mỗi ngày với mỗi khẩu phần ăn có giá khoảng 24.000 đồng. Công ty
chú trọng vào vấn đề dinh dưỡng trong từng khẩu phần ăn khi xây dựng thực đơn
dựa trên nhu cầu năng lượng khuyến nghị. Thực phẩm được mua hằng ngày là thực phẩm tươi sống,
không để qua đêm và đều
được lấy từ nhà cung cấp có đầy đủ hồ sơ chứng minh chức năng cung cấp thực
phẩm và nguồn nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, công
ty có quy trình chế biến và quy trình bảo quản rất nghiêm ngặt; hệ thống lưu
mẫu thực phẩm và trang bị cơ sở vật chất đạt chuẩn như hệ thống gas an toàn, hệ
thống quạt hút công suất lớn để duy trì môi trường làm việc thông thoáng, sạch
sẽ; công ty luôn chú trọng việc tập
huấn, hướng dẫn về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nhân
viên trực tiếp chế biến bữa ăn.
Đại diện Công ty TNHH Kim May Organ Việt Nam trình bày với đoàn khảo sát một số khó khăn khi có rất nhiều gánh hàng rong xung quanh công ty, và rất lo ngại về chất lượng thức ăn của những gánh hàng rong khi không kiểm chứng được về nguồn gốc thực phẩm, quy trình chế biến, quy trình bảo quản,... đã có một số công nhân của công ty có vấn đề về sức khỏe khi sử dụng thức ăn tại các gánh hàng rong này. Kiến nghị các cơ quan chức năng cần có những chính sách phù hợp để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, tuy nhiên là cần tránh trường hợp cấm những người buôn bán hàng rong ngay lập tức vì đó là kế sinh nhai của họ.
Trao đổi tại buổi giám sát, Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã đặt ra các vấn đề như chú trọng xây dựng thực phẩm sạch, ngăn ngừa thực phẩm bẩn và cách xử lý khi có tình huống ngộ độc thực phẩm xảy ra. Ngoài ra, công ty cần lưu ý về vấn đề xử lý khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra như xây dựng kịch bản xử lý chi tiết gồm người điều hành, cách phối hợp với ban quản lý khu chế xuất và công nghiệp, các cơ quan chức năng,...
Để gỡ khó cho công ty, Ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM cho rằng, sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này. Đầu tiên, các doanh nghiệp nên có bếp ăn hoặc sử dụng suất ăn công nghiệp để hạn chế việc công nhân mua thức ăn tại các gánh hàng rong.
Ông Bình nhấn mạnh sẽ có giải pháp lâu dài như vận động người bán hàng rong chuyển đổi ngành nghề, tạo điều kiện cho họ học nghề. Nếu không khả thi thì sẽ mở các khu vực có sự quản lý của cơ quan chức năng để họ buôn bán. Đồng thời, HĐND TP.HCM sẽ có văn bản kiến nghị với UBND TP.HCM về vấn đề buôn bán tự phát xung quanh khu chế xuất, khu công nghiệp, trường học,... để sớm có giải pháp phù hợp nhất.
Kết luận buổi khảo sát, Ông Cao Thanh Bình cho biết sẽ tăng cường công tác phối hợp đảm bảo an toàn thực phẩm trong KCX, KCN. Các doanh nghiệp tự tổ chức bữa ăn cần có bộ phận giám sát hằng ngày, không dừng lại ở việc kiểm tra định kỳ. Đồng thời, các doanh nghiệp cần có những kịch bản chi tiết đề phòng xảy ra ngộ độc thực phẩm
Một số hình ảnh tại buổi khảo sát:
Hồ Thị Thanh Hiếu
Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông