Riêng đối với mặt hàng thực phẩm chức năng và hàng hóa liên quan đến thực phẩm. Sau đại dịch Covid-19, con người có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, các xu hướng ăn uống ra sao để có sức khỏe tốt được nhiều người tìm hiểu, áp dụng và việc sử dụng “thực phẩm chức năng” cũng ngày càng trở nên phổ biến. Cùng với đó là sự bùng nổ của dịch vụ Internet và hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội cũng khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và thực hiện việc mua bán các sản phẩm thực phẩm chức năng gia tăng mạnh trên thị trường. Tuy nhiên, việc mua bán, sử dụng “thực phẩm chức năng” luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Trong năm 2024, Chính phủ tiếp tục ban hành Công văn số 4286/VPCP-KGVX về việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, trong đó, Bộ Y tế đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại các cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm. Tiếp tục tăng cường phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; kiểm tra, giám sát việc quảng cáo thực phẩm chức năng, giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu thực phẩm chức năng theo quy định của pháp luật.
Xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám chữa bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh.
Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan báo chí của địa phương quản lý nội dung trong các chương trình tương tác, quảng bá cho doanh nghiệp để không vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng; không phát hành quảng cáo khi chưa có thẩm định nội dung của cơ quan có thẩm quyền hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân chỉ mua các sản phẩm thực phẩm chức năng khi thực sự có nhu cầu và dùng đúng hướng dẫn sử dụng; khi có bệnh phải tới cơ sở y tế để được khám chữa bệnh kịp thời; không sử dụng sản phẩm theo cách truyền miệng, không hiểu rõ về sản phẩm.
Đặc biệt, công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Năm 2025, Sở An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí minh tiếp tục quán triệt tinh thần của Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền và các văn bản chỉ đạo có liên quan trong các hoạt động thông tin, truyền thông, kiểm tra giám sát của Sở An toàn thực phẩm trên lĩnh vực phân công quản lý.
Nguyễn Thụy Châu Dung – P.HTQTTT