VIDEOS

Videos khác

Hình ảnh hoạt động


Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
11037002
Trong tháng
97701
Hôm nay
6800
Đang Online
2163

Bí quyết gói bánh chưng xanh đẹp

Ngày đăng: 02/02/2021 - Lượt xem: 2119

Mỗi khi tết đến xuân về, người Việt, dù có đi đâu, ở đâu cũng không bao giờ thiếu bánh chưng xanh trong mâm cỗ Tết cổ truyền, nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh để cúng gia tiên. Có thể nói, bánh chưng trong tâm thức người Việt là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, là món ăn đặc trưng dân tộc, hay đơn giản chỉ là bữa cơm gia đình sum họp ấm áp, đoàn viên bình dị trong những ngày đầu năm mới. Muốn có những chiếc bánh chưng vuông vức, có màu xanh đẹp mắt và đảm bảo an toàn thực phẩm thì yêu cầu bà nội trợ cần chuẩn bị kỹ từ khâu lựa chọn nguyên liệu, cách gói đến luộc bánh.


 

Bánh chưng- món ăn linh hồn của người Việt

Những bí quyết không thể bỏ qua sau sẽ giúp bạn có được nồi bánh chưng ngon không thể chê trong dịp Tết:

1. Chọn nguyên liệu

Khâu chọn nguyên liệu khá quan trọng để có được nồi bánh chưng thơm ngon, đảm bảo an toàn trong dịp Tết. Từng nguyên liệu cần được chọn lựa và chuẩn bị kỹ càng trước khi sử dụng.

Lá dong

Nên chọn những tấm lá dong dày và có độ rộng vừa phải, chọn lá dong bánh tẻ không quá già nhưng cũng không quá non. Lá dong non thường có tấm lá mỏng và màu nhạt, khổ lá nhỏ khó có thể tạo khuôn bánh đầy đặn. Lá già thường khá to cần phải cắt tỉa khi gói để có được độ rộng như mong muốn.

Chọn lá to đều, không bị rách nát, có màu xanh đậm, tươi sáng, hơi bóng và phần cuống lá nhỏ. Chú ý nên rửa sạch và lau khô lá trước khi gói. Nên chần qua nước sôi trước khi gói, lá sẽ càng dẻo dai và không bị mất màu.

 

Lá dong gói bánh chưng

Gạo nếp

Nên chọn gạo có độ mẩy đều, hạt bóng đều và có màu trắng đục, hương thơm. Nên ngâm gạo khoảng 10 đến 12 tiếng và xóc gạo với một ít muối trắng, để ráo nước trước khi gói.  Nếu muốn gạo có màu xanh hơn và hương vị độc đáo, có thể dùng lá nếp hoặc lá riềng xay, lọc lấy nước và ngâm cùng gạo.

 

Gạo nếp

Đậu xanh

Nên chọn hạt đậu xanh mẩy, tròn, hạt đậu xanh có lòng màu xanh sẽ có vị thơm ngon hơn so với đậu xanh đã tách vỏ và có lòng màu trắng. Ngâm và đãi sạch vỏ đậu xanh để giữ bánh được lâu hơn, không bị thiu. Nên đồ chín đậu xanh và giã nhuyễn, tạo thành từng nắm nhân cho từng chiếc bánh. Đậu xanh chín sẽ giúp bánh giữ được lâu hơn, không bị trộn lẫn hạt đậu xanh và gạo khi gói, khi cắt bánh sẽ tạo thành từng lớp riêng biệt

Nên đồ chín đậu xanh và giã nhuyễn,

tạo thành từng nắm nhân cho từng chiếc bánh

Thịt

Nên chọn thịt ba rọi với phần thịt và mỡ đều nhau để tạo vị thơm ngọt, béo ngậy cho bánh. Chỉ nên ướp thịt với muối, bột ngọt và hạt tiêu, không nên ướp thịt bằng nước mắm dễ khiến bánh thiu và đậm mùi hơn.

 

 Thịt ba rọi nên ướp với muối, bột ngọt và hạt tiêu

2. Cách gói bánh

Nên gói bánh bằng tay để bánh giữ được lâu hơn và không bị bục khi gói. Cách gói bánh bằng tay là đặt hai chiếc lá lớn ở giữa trái ngược nhau, mặt sống lá úp xuống dưới. Trải dần từng lớp gạo, đậu xanh, thịt và cuối cùng là một lớp gạo phía trên cùng. Bẻ gập lá tạo hình vuông và dùng lạt buộc chặt chéo góc theo hình chữ thập. Nếu dùng khuôn gói bánh, cách làm tương tự với khoảng 4 chiếc lá, được gấp vuông và xếp phần sống lá ra ngoài.

Chú ý, công thức chuẩn cho một chiếc bánh là khoảng 600g gạo nếp, 100g đậu xanh theo công thức 2 gạo, 2 đậu xanh, 2 miếng thịt. Không nên gói bánh quá chặt vì khi luộc bánh sẽ tiếp tục nở ra. Tuy nhiên, cũng cần buộc lạt chặt và ước lượng gạo cần gói để tránh gói bánh quá lỏng sẽ khiến bánh không được đẹp mắt.

Không nên gói bánh quá chặt vì khi luộc bánh sẽ tiếp tục nở ra

3. Luộc bánh

 

Khâu luộc bánh là quan trọng nhất để có được nồi bánh chưng thơm ngon với màu xanh đẹp mắt. Trước khi xếp bánh vào nồi nên trải một lớp lá thừa và cuống lá xuống dưới. Điều này giúp lớp bánh ở đáy nồi không bị cháy và bánh xanh hơn. Trong quá trình luộc bánh luôn giữ cho lửa to đều. Chú ý khi châm thêm nước vào nồi luộc cần châm nước đã sôi hoặc nước nóng.

Nếu chêm nước lạnh sẽ khiến bánh bị lại gạo, không chín đều, không được thơm ngon và nhanh hỏng. Thời gian luộc bánh cần thiết là từ 10 đến 12 tiếng. Không nên luộc bánh ít hơn thời gian này, bánh sẽ bị cứng hoặc sống. Tuy nhiên cũng không nên luộc quá lâu sẽ khiến bánh bị nhão. Khi bánh chín, vớt ra và rửa lại với nước lạnh cho hết các cặn bẩn bám trên lá. Sau đó, ép bánh với vật nặng để bánh có độ rền, dẻo và hình vuông đẹp mắt.

Thanh Huyền – Phòng Thông tin, Giáo dục, Truyền thông

(Nguồn: Cục An toàn thực phẩm)

 

 

 

Đội quản lý ATTP liên quận huyện