VIDEOS

Videos khác

Hình ảnh hoạt động


Liên kết website

Thống kê truy cập

Tổng truy cập
13292318
Trong tháng
355355
Hôm nay
11507
Đang Online
17718

Hình hài Quốc gia số sau 6 tháng triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW

Ngày đăng: 10/07/2025 - Lượt xem: 106

Sau 6 tháng triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW, Việt Nam đang từng bước định hình một Quốc gia số với nền tảng thể chế đột phá, hạ tầng hiện đại, chính quyền vận hành số hiệu quả, kinh tế số tăng trưởng mạnh và nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao. Chuyển đổi số lan tỏa toàn diện từ Trung ương đến địa phương, tạo niềm tin và quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm năm 2026 và những mục tiêu cao hơn trong tương lai.

6 tháng đầu năm 2025 chứng kiến diện mạo mới của một “Quốc gia số” đang hình thành rõ nét. Dưới sự dẫn dắt chiến lược của Nghị quyết 57-NQ/TW - văn kiện đột phá do Bộ Chính trị ban hành cuối năm 2024, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, đồng bộ để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Tầm nhìn đột phá từ Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 khẳng định phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST&CĐS) là đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Đây là chủ trương chiến lược mang tính cách mạng, nhằm giải phóng mọi nguồn lực, thúc đẩy hiện đại hóa sản xuất, đổi mới quản trị quốc gia, tránh nguy cơ tụt hậu và đưa Việt Nam bứt phá trở thành quốc gia phát triển giàu mạnh. Mục tiêu lớn được vạch ra là đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm dẫn đầu khu vực và tiệm cận nhóm 50 nước hàng đầu thế giới về hạ tầng số, công nghiệp công nghệ cao, chính phủ số và tỷ trọng kinh tế số. Tầm nhìn chiến lược này đã thổi bùng khát vọng “tăng tốc trong kỷ nguyên số”, tạo động lực mạnh mẽ cho giới khoa học công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội chung sức hiện thực hóa.

Chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở

Ngay sau khi Nghị quyết 57 được ban hành, Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, ĐMST&CĐS do Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu đã nhanh chóng được kiện toàn, đề ra chương trình hành động cụ thể.

Sự quyết tâm từ Trung ương đã lan tỏa xuống địa phương: các tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Bí thư hoặc Chủ tịch đứng đầu, bảo đảm mỗi nhiệm vụ của Nghị quyết 57 đều được đôn đốc thực hiện đến nơi đến chốn. Chỉ trong nửa năm, “Quốc gia số” đã dần hiện hình bằng những kết quả cụ thể, thực chất, phản ánh qua các chỉ số quốc tế và trong nước.

Bứt phá thể chế và hạ tầng: Nền móng vững chắc cho chuyển đổi số

Nghị quyết 57 đã tạo ra một bước tiến nhảy vọt về hoàn thiện thể chế, chính sách cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Chỉ trong kỳ họp thứ 9, diễn ra tháng 5-6/2025, Quốc hội đã kịp thời thông qua nhiều đạo luật mang tính đột phá, đặc biệt là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (sửa đổi) và Luật Công nghiệp Công nghệ số, cùng với 14 luật liên quan và 3 nghị quyết của Quốc hội nhằm tạo hành lang pháp lý ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn, dữ liệu lớn, Internet vạn vật. Song song, Chính phủ cũng ban hành 16 nghị định và 1 nghị quyết để tháo gỡ rào cản thể chế, cải cách thủ tục hành chính, triển khai mô hình chính quyền số hai cấp, phân cấp phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương. Đây là những cú hích chính sách chưa từng có, giúp giải quyết nhiều “điểm nghẽn” về pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến đổi mới sáng tạo đi vào cuộc sống.

Song song với cải cách thủ tục, hạ tầng kỹ thuật phục vụ chính phủ số và kinh tế số cũng được tăng cường. Từ năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã xây dựng và vận hành Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp trên 87 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện, đồng thời thu nhận khoảng 70 triệu hồ sơ định danh điện tử và kích hoạt gần 50 triệu tài khoản VNeID (đạt tỷ lệ 69% hồ sơ). Nhờ dữ liệu dân cư làm nền tảng, hàng loạt tiện ích số ra đời: từ định danh, xác thực eKYC, thanh toán không dùng tiền mặt đến khám chữa bệnh không giấy tờ…

Nguồn nhân lực chất lượng cao: “Chìa khóa vàng” cho quốc gia số

Xác định con người là yếu tố quyết định, Nghị quyết 57 đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn.

Trong lực lượng cán bộ công chức, các chương trình bồi dưỡng kỹ năng số cũng được đẩy mạnh. Bộ Công an tiên phong với phong trào “Bình dân học vụ số”, huấn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ cho cán bộ, chiến sĩ và đoàn viên thanh niên ở cơ sở. Tính từ năm 2022 đến nay, hàng trăm nghìn lượt cán bộ, công chức trên toàn quốc đã được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số và an toàn không gian mạng thông qua các khóa học trực tuyến, hội nghị chuyên đề.

Ảnh minh họa

Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025: Quyết tâm tăng tốc

Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý phải huy động tối đa nguồn lực xã hội, đẩy mạnh hợp tác công tư và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước tiếp tục đóng vai trò tiên phong. Sự kết nối giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nhà khoa học - người dân cần được phát huy hơn nữa để tạo “sức mạnh cộng hưởng” trong chuyển đổi số.

Sáu tháng đầu năm 2025 đã phác họa nên diện mạo ban đầu của một Quốc gia số Việt Nam: thể chế thông thoáng, hạ tầng hiện đại, chính quyền vận hành minh bạch và hiệu quả, kinh tế số vươn lên mạnh mẽ và người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng tiện ích rõ ràng. Những con số về tăng trưởng kinh tế số, về thứ hạng đổi mới sáng tạo, chính phủ số toàn cầu là minh chứng thuyết phục cho đường lối đúng đắn của Nghị quyết 57.

Quốc gia số Việt Nam đang thành hình từng ngày, một quốc gia thịnh vượng dựa trên tri thức, sáng tạo và công nghệ. Tất cả chúng ta, từ cơ quan nhà nước tới doanh nghiệp và người dân, hãy cùng chung sức, đồng lòng “làm cho bằng được” những nhiệm vụ còn lại của năm 2025, tạo bước chạy đà vững chắc để tăng tốc tiến vào năm 2026 và những mục tiêu cao hơn trong tương lai.

Nguồn: Trang tin điện tử Đảng bộ TP.HCM

Đội quản lý ATTP liên quận huyện