Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM trình bày báo cáo tại Phiên họp
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở
KH&ĐT TPHCM, trong tháng 4, tiếp theo đà tăng trưởng quý I, các chỉ số đều
tăng so với cùng kỳ. Trong đó, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao
nhất kể từ năm 2022; tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
tăng; dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố tăng dần qua từng tháng, đạt 9,5%;
tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước tăng 7,5%. Ngoài ra, kiều hối về Thành phố
tăng 35,4% (gần 2,869 tỷ USD).
Bên cạnh đó, công tác chăm sóc
sức khỏe và y tế được chú trọng và triển khai. Các hoạt động văn hóa, nghệ
thuật trên địa bàn Thành phố được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, đa dạng.
Hoạt động đối ngoại được tổ chức hiệu quả với các hoạt động gặp gỡ, tiếp đón
quốc tế. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được thực hiện nghiêm.
Bước qua tháng 4, hoạt động
thương mại và dịch vụ trên địa bàn có nhiều khởi sắc và thuận lợi khi kỳ nghỉ
lễ 30/4 và 1/5 được kéo dài. Các đơn vị kinh doanh triển khai hàng loạt chương
trình khuyến mãi, ưu đãi để kích cầu tiêu dùng. Dự báo thị trường du lịch sẽ
trở nên sôi động do nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân tăng cao trong dịp
lễ.
Tuy nhiên, bà Mai cho rằng còn
các hạn chế cần lưu ý. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, chưa đảm bảo
tiến độ theo yêu cầu. Đến ngày 26/4, Thành phố giải ngân hơn 5.969 tỷ đồng, đạt
7,5% số vốn được giao, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, số doanh nghiệp tạm
ngưng có xu hướng tăng, vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp tiếp tục giảm.
Hoạt động ngoại hối, tỉ giá và giá vàng trên địa bàn Thành phố có diễn biến
tăng. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng tăng so với cùng kỳ; bên cạnh đó,
thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt.
Đánh giá chung về kinh tế Thành
phố 4 tháng đầu năm, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho
rằng, kinh tế tiếp đà phục hồi nhưng chưa có cú hích đủ mạnh. Sản xuất công
nghiệp tăng 5,1% nhưng nếu tính chung các năm sau dịch COVID-19 thì trung bình
hằng năm chỉ tăng 2,4%, trong khi bình quân cả nước là 6%. Các đơn hàng ngành
sản xuất công nghiệp quay trở lại nhưng thời gian đơn hàng ngắn, giá không
tăng, biên lợi nhuận không tạo được động lực cho doanh nghiệp.
Cũng theo ông Hoàng, tổng mức
bán lẻ 4 tháng đầu năm tăng 14,2% nhưng xét về quy mô thì chỉ tương đương tháng
4/2022. Hiện sức mua đang thấp nên cần giải pháp kích cầu tiêu dùng hơn nữa.
Về đầu tư công, số liệu báo cáo
của Kho bạc Nhà nước TPHCM cho thấy tính đến ngày 26/4, tổng vốn đã giải ngân
là 5.969 tỷ đồng, đạt 7,5% số vốn được giao. Dù con số giải ngân tuyệt đối bằng
3 lần năm ngoái nhưng so với kế hoạch đề ra chưa đạt.
Tương tự, chi ngân sách 4 tháng
cũng ở mức thấp nhất từ năm 2022 trở lại đây. Trong đó, chi thường xuyên giảm
13,3%, ảnh hưởng đến tăng trưởng quý II. Do đó, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM
cho rằng cần có giải pháp để tăng chi thường xuyên từ khu vực nhà nước.